Chào là hình thức đứng đầu trong văn hóa ứng xử, thể hiện sự tôn trọng của mỗi người với đối tượng giao tiếp. Mỗi địa phương lại có một cách thức chào hỏi khác nhau, mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện đặc trưng cho từng quốc gia, vùng miền. Ví như ở phương Tây chào hỏi bằng nụ hôn và những cái ôm nồng nhiệt, người Thái thường chắp tay ngang lồng ngực giống tư thế vái lạy, hay người Việt vòng hai tay trước ngực và cúi đầu để bày tỏ sự tôn trọng, thì tại xứ sở Phù Tang, chào hỏi cũng được xem là một nghệ thuật, một nghi thức vô cùng thiêng liêng với nhiều quy tắc, luật lệ nghiêm ngặt.
Những nguyên tắc cơ bản
Tại đất nước Nhật Bản vốn coi trọng lễ nghi và hình thức, dù là với ai hay ở trong hoàn cảnh nào, việc chào hỏi luôn có những nguyên tắc “tối thượng” mà bạn bắt buộc phải tuân theo nếu có ý định tới đây tham quan hoặc định cư lâu dài.
- Kính bề trên: Không chỉ Nhật Bản mà ngay cả nhiều quốc gia châu Á khác cũng đều có một quy tắc bất thành văn: “kẻ dưới” phải chào “người trên”. Trật tự trên-dưới có thể được quy định bằng tuổi tác, bằng địa vị hoặc giới tính. Ví dụ, thầy giáo và khách là “người trên” đối với chủ nhà, nam là “người trên” đối với nữ,…
- Tuân thủ trật tự: Cách thức chào hỏi ra sao còn phụ thuộc vào mối quan hệ cùng địa vị xã hội của hai bên. Với mỗi đối tượng khác nhau, người Nhật lại có những phương thức chào hỏi khác nhau mà chúng ta sẽ đề cập trong phần dưới đây.
Cách thức chào
Như đã nói ở trên, tùy thuộc vào đối tượng giao tiếp mà người Nhật sẽ sử dụng những cách thức chào hỏi khác nhau. Có ba hình thức phổ biến nhất:
- Kiểu Eshaku (khẽ cúi chào): Đây được xem là cách giao tiếp phổ thông nhất, thường dùng khi gặp khách và cấp trên tại hành lang hoặc trong giao tiếp với người đồng lứa. Khi chào kiểu Eshaku, bạn chỉ cần hơi cúi người khoảng 15 độ trong một giây, hai tay để dọc bên hông. Nếu muốn lời chào của mình trở nên thân thiện hơn hoặc hy vọng có thể cho đối phương thấy được tấm lòng biết ơn, bạn có thể thêm vào lời cảm ơn (arigatou) hoặc một số câu từ tương tự khác. Người Nhật cũng thường chào hỏi nhau bằng cách này khoảng vài lần trong ngày, trong đó lần đầu yêu cầu chào thi lễ, còn các lần gặp sau chỉ cần cúi chào là đủ.
- Kiểu Keirei (cúi chào thông thường): Đối với tư thế chào này, người Nhật phải cúi xuống khoảng 30 độ và giữ nguyên trong vòng 2 đến 3 giây. Hình thức này rất phổ biến trong văn hóa giao tiếp nơi công sở, đặc biệt là khi chào hỏi khách hàng.
- Kiểu Saikeirei (cúi chào trang trọng): Trong cả ba hình thức nêu trên đây, Saikeireimang ý nghĩa tôn trọng nhất, thường được sử dụng để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc hoặc thay lời xin lỗi trịnh trọng. Người thực hiện động tác chào này phải cúi thấp 45 độ một cách chậm rãi và giữ nguyên tư thế trong 3 giây hoặc lâu hơn với thái độ thành kính nhất. Trong văn hóa giao tiếp Nhật Bản, kiểu chào này thường được sử dụng khi đứng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ hoặc Thiên Hoàng.
Cách thức đứng chào cũng có những khác biệt nhỏ giữa nam và nữ. Nếu như nữ thường đặt bàn tay với các ngón duỗi thẳng trước người rồi mới cúi chào, thể hiện sự duyên dáng và mực thước, thì nam tuy cũng duỗi thẳng các ngón nhưng lại phải khép hai bàn tay sát sườn, tạo phong thái mạnh mẽ, tự tin nhưng vẫn đúng mực.
Trong giao tiếp thông thường, người Nhật thường chỉ cần đứng và cúi chào, nhưng nếu đang ngồi trên sàn trải thảm tatami thì việc quỳ chào là một điều bắt buộc. Khi quỳ chào, cần chú ý để hai lòng bàn tay úp sấp và chụm vào nhau, đặt khum khum trước mặt, đầu cúi thấp người cách mặt sàn khoảng 10-15 cm. Các động tác từ lúc bắt đầu quỳ cho đến khi đứng dậy và kết thúc tư thế chào đều phải được thực hiện một cách nhẹ nhàng, từ tốn.
Nhật Bản cũng đặc biệt chú trọng tới các nghi lễ khi tới thăm nhà người khác, ngay cả khi đó là nhà của người quen thân. Khi được mời vào nhà, khách phải nói câu: “Cảm ơn. Rất hân hạnh” rồi cởi áo khoác ngoài (nếu có) trước khi bước vào. Thường thì trong mỗi gia đình sẽ có những đôi dép đi trong nhà dành cho các thành viên và cả những vị khách tới chơi, do đó khi ra về, khách cần phải cởi dép và đồng thời quay mũi dép vào trong phòng ở. Trước khi ra về, ở cửa người khách cần phải cúi chào một lần nữa và cảm ơn tấm lòng tiếp đãi của chủ nhà rồi mới rời khỏi.
Ngày nay, khi tiếp xúc với người ngoại quốc, người Nhật cũng có thêm thắt vài sự điều chỉnh để phù hợp hơn, ví dụ như thay vì cúi chào, họ sẽ chỉ bắt tay xã giao thông thường hoặc kết hợp cả bắt tay và cúi chào. Tuy vẫn tránh các cử chỉ tiếp xúc cơ thể trực tiếp hoặc những hành động quá thân mật, nhưng nhìn chung, người Nhật đã cởi mở hơn với các hành động này do ảnh hưởng từ nền văn hóa phương Tây vào nước này.
Có thể nói, Nhật Bản là một trong những nước có hệ thống các phương thức và quy tắc chào hỏi cầu kỳ nhất. Bản thân một bộ phận người dân xứ sở Phù Tang cũng đánh giá một số nghi thức này là rườm rà và có chút phiền toái, nhất là đối với đời sống hiện đại yêu cầu tác phong nhanh nhẹn như hiện nay. Bất chấp những ý kiến đó, văn hóa chào hỏi đặc biệt này không hề có dấu hiệu bị mai một hay biến chất mà trái lại, vẫn tiếp tục được truyền giáo qua biết bao thế hệ người Nhật từ đời này sang đời khác. Đây không phải một điều khó hiểu, bởi các nghi lễ này đều bắt nguồn từ tấm lòng tôn trọng bản thân cũng như mọi người xung quanh của người Nhật. Chính chúng là một phần không thể thiếu, đóng góp vào nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Nhật Bản và là một trong những điều thể hiện rõ nét nhất giá trị tinh thần cao quý của những người dân xứ này.
CÔNG TY CP ĐÀO TẠO VÀ CUNG ỨNG NHÂN LỰC QUỐC TẾ HAVICO
Trụ sở HAVICO GROUP: Lô 29, Cục B12, Tổng cục 5, Bộ Công an, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội
Cơ sở: Số 10 ngõ 106, TT Ngân Hàng, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024.3791.7828
Hotline: 098.933.7424 – 098.951.6699
Website: havico.edu.vn
Email: info@havico.edu.vn
Facebook: facebook.com/havico.edu.vn
YouTube: youtube.com/havicogroup
Instagram: instagram.com/duhochavico
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ: