Trên thế giới, mỗi quốc gia, đất nước đều có vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên cùng phong tục tập quán và lịch sử phát triển riêng. Chính những nét đặc trưng đó đã tạo nên sự khác biệt về văn hóa, đời sống của từng nước. Mà nhắc tới văn hoá và đời sống của bất cứ dân tộc nào thì ẩm thực luôn là một trong những nét độc đáo đáng chú ý nhất. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ đôi điều ngắn gọn về nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản – một đặc trưng nổi bật trong nền văn hoá đặc sắc của đất nước này.

Nói đến ẩm thực Nhật Bản là nhắc đến bề dày lịch sử phát triển ẩm thực qua các thời kỳ khác nhau. Ở thế kỉ thứ 6, một số loại rau, củ, quả như cà rốt, củ cải trắng, … du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản thì việc ăn thịt đã bị hạn chế và bị cấm vào thế kỉ thứ 8. Ở giai đoạn này thì người Nhật học được cách làm đậu hũ, nước tương và nghệ thuật rán bằng dầu của người Trung Quốc, đến thời kỳ Heian (974 – 1185) là thời kì khởi đầu cho một nền ẩm thực Nhật Bản mang bản sắc riêng. Sự phát triển của tầng lớp thượng lưu Kyoto trở thành tiền đề cho sự phát triển của ẩm thực. Đến thế kỉ thứ 10 nguyên liệu đã trở nên phong phú hơn với món ăn nhiều loại rau củ như củ cải tròn, mù tạt là, dưa chuột, cà tím. Đến thế kỉ thứ 16 thì màu sắc trong món ăn được chú ý hơn với năm màu chính: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, tím và sáu vị:đắng, cay, chua, ngọt, nóng, vị thơm ngon. Chuyển sang thời kỳ cận đại thì sự giao thương với phương tây cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực Nhật Bản các nguyên liệu như khoai tây, khoai lang, ngô….Chính vì vậy mà hiện nay một số món ăn của người Nhật lại có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài. Đến thời kỳ Meiji (Minh Trịnh 1868 – 1912) các nguyên liệu nước ngoài ồ ạt du nhập về như: bơ, cari, cà phê, cải bắp,…Và cho đến hiện nay ngành công nghiệp thực phẩm của Nhật Bản phát triển rực rỡ.

Do vị trí địa lý của Nhật Bản bốn bề bao quanh đều là biển, hải sản, rong biển chiếm phần lớn trong khẩu phần ăn của người Nhật. Lương thực chính của người Nhật là gạo. Người Nhật cuộn cơm trong nhưng tấm rong biển xanh đen, tạo thành món Sushi. Đây là món ăn được xem như quốc thực của Nhật Bản, ngoài ra các món ăn từ đậu nành cũng có tầm quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản.

Ngoài ra, những món ăn từ hải sản cũng là nguồn cảm hứng cho những người nội trợ bởi vẻ đẹp của nó khi được đưa lên bàn ăn. Chắc hẳn với nhiều người khi được ăn một món ăn ngon ngọt sẽ nghĩ ngay đến thành phần gia vị nêm vào. Nhưng với người Nhật Bản thì họ lại không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng vào hương vị tươi ngon, tinh khiết, tự nhiên của món ăn. Hương vị món Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng, với mỗi mùa có những đặc trưng khác nhau, để phù hợp với khí hậu, thể chất của con người. Có thể kể đến như mùa xuân thì sẽ là những món cá như Shirouo và đón mùa anh đào nở bằng bánh Sakura Mochi và gạo anh đào. Mùa hè thì sẽ là những món ăn mát lành như món lươn, cà tím nướng, đậu edamame, các loại mỳ lạnh và ăn các loại đậu hũ. Mùa thu người Nhật sẽ ăn khoai lang nướng, các món chiên như tempura, các loại bánh nama-gashi. Mùa đông sẽ là những món ăn lẩu để gia đình quây quần ăn cùng nhau thể hiện sự ấm cúng, chắc chắn là không thể thiếu được rượu sake. Có một điều khá đặc biệt trong các món ăn của người Nhật đó là các món ăn đều có ý nghĩa của nó với những ý nghĩa về văn hóa hay thể hiện cho những lời chúc tốt đẹp của năm mới. Như rượu sake biểu thị cho sự trừ tà khí và kéo dài tuổi thọ, món đậu phụ là chúc sức khỏe, món sushi thể hiện sự sung túc, thịnh vượng, món tempura biểu trưng cho sự trường thọ.

Những nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản là một sự tò mò với những người chưa đến hoặc thậm chí đã đến đất nước này, tò mò không chỉ là về món ăn mà còn là sự tò mò muốn tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của đất nước thông qua con đường ẩm thực. Qua bài viết này, tôi hi vọng mang tới phần nào thông tin về văn hóa ẩm thực Nhật Bản để mọi người cùng biết và cùng tìm hiểu thêm để biết được sự phong phú và những nét đẹp của đất nước và con người Nhật Bản.

Nguyễn Tuấn Đạt

Học viên lớp K15-A10

Bình luận:
0/5 (0 Reviews)
CHIA SẺ