Du học sinh có thể làm thêm không quá 28 tiếng / tuần sau khi đã được cấp giấy phép “hoạt động ngoài tư cách lưu trú” với điều kiện đó là công việc không ảnh hưởng đến thành tích học tập và không phải là những ngành nghề bị cấm hoạt động.
1. Những điều cần chú ý trong công việc làm thêm
1.1 Ghi chép và lưu giữ những quy định về điều kiện lao động
Khi đi làm thêm, tốt nhất là bạn nên có được hợp đồng tuyển dụng từ phía chủ sử dụng lao động . Tuy nhiên, theo tập quán ở Nhật Bản hầu như không có hợp đồng lao động được ký cho các trường hợp làm thêm.
Vì vậy, trong lần đầu phỏng vấn, bạn hãy dựa vào lý do như “Vốn tiếng Nhật còn hạn chế nên nếu hiểu sai thì sẽ phát sinh vấn đề” để nhờ người phụ trách tuyển dụng lao động ghi lại những thông tin liên quan đến ngày làm việc, thời gian làm việc, nội dung công việc, tiền lương, ngày trả lương, tên và số điện thoại của người phụ trách tuyển dụng…
Nếu người chịu trách nhiệm từ chối những điều trên, bạn có thể tự ghi lại rồi nhờ họ kiểm tra. Ghi chép này giúp chúng ta tránh được những rắc rối do hiểu lầm không đáng có và giải quyết những rắc rối nảy sinh sau này.
Trường hợp tìm việc trên báo và các tạp chí, bạn nên cắt rời và lưu giữ thông báo tuyển dụng đó.
1.2 Ghi chép lại thời gian đã làm việc và số tiền lương đã nhận
Để phòng trừ rắc rối như không được trả tiền lương, bạn hãy ghi lại cẩn thận thời gian đã làm việc và số tiền lương đã nhận.
1.3 Nghiêm cấm đi muộn hoặc nghỉ làm không xin phép
Dù chỉ là việc làm thêm nhưng không có nghĩa là bạn được tùy ý đến muộn giờ làm hay nghỉ không xin phép, hãy nhớ liên lạc với nơi mình làm khi có sự cố gì đó xảy ra trước giờ làm.
2. Cách tìm việc làm thêm
2.1. Thông qua sự giới thiệu của văn phòng hỗ trợ học sinh, sinh viên.
Hãy rực tiếp hỏi thông tin về việc làm thêm tại văn phòng hỗ trợ học sinh, sinh viên hay phòng phúc lợi… ở trường bạn đang theo học.
2.2. Thông qua các thông tin tuyển dụng trên báo, tạp chí
Thông tin về việc làm thêm thường được đăng tải ở mục “Tuyển dụng” của các báo hằng ngày của Nhật hoặc tạp chí việc làm. Có thể dễ dàng mua được loại báo này ở hiệu sách hoặc các cửa hàng tiện dụng ở nhà ga. Tuy nhiên, có nhiều thông tin không áp dụng cho người nước ngoài, do đó bạn hãy liên lạc với phía tuyển dụng để được giải đáp thắc mắc về công việc.
2.3. Thông qua trang tin giới thiệu việc làm
Trong Ban ổn định việc làm công cộng (gọi tắt là “Hello work”) có trang giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên. Họ sẽ giới thiệu cho bạn công việc phù hợp với sinh viên nước ngoài (nếu có), bạn hãy mang giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú đến đây để được cung cấp thông tin cần thiết.
3. Phát sinh vấn đề khi làm thêm
Cùng với sự tăng lên của số du học sinh đi làm thêm, những vấn đề như bị thương khi làm việc hay không được trả lương đúng theo quy ước… cũng ngày một gia tăng.Nếu bạn gặp phải một trong các rắc rối trên, hãy trao đổi thẳng thắn với người phụ trách tại nơi làm việc. Trong trường hợp rắc rối vẫn không được tháo gỡ dù bạn đã cố gắng trao đổi với người phụ trách, hãy tìm đến các trung tâm tư vấn để được trợ giúp.
3.1. Tai nạn khi làm việc
Luật bảo hiểm bồi thường thiệt hại lao động của Nhật Bản được áp dụng trong trường hợp người nước ngoài gặp tai nạn khi làm việc hoặc trong quá trình di chuyển giữa nơi ở đến chỗ làm.
Nếu bị hương ở nơi làm việc, hãy báo cáo với người phụ trách để nhận được sự chữa trị kịp thời. Với trường hợp gặp tai nạn giao thông trên đường đi, hãy báo cảnh sát đồng thời chữa trị ngay vết thương. Sau khi được trị liệu, hãy thảo luận với người phụ trách về việc giải quyết sau đó. Ngoài ra, hãy tìm đến các trung tâm tư vấn để được hỗ trợ khi người phụ trách không hiểu rõ vấn đề dẫn tới việc bạn không được điều trị cần thiết hoặc không được bồi thường tổn hại một cách thỏa đáng.
3.2. Trung tâm tư vấn giải quyết vướng mắc.
Khi người lao động và bên tuyển dụng không tự mình giải quyết được vấn đề mà hai bên gặp phải, trung tâm tư vấn sẽ hỗ trợ cho đến khi mọi rắc rối được tháo gỡ. Ở Sở lao động thuộc các tỉnh, thành phố, thường có văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động, tại đây có nhiều phòng tư vấn cho người nước ngoài nên khi gặp các rắc rối như không được trả tiền lương đúng thời hạn…, hãy đừng do dự xin tư vấn tại văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động gần nơi bạn sống.
4. Tiền thuế
Bạn có thể bị trừ thuế thu nhập từ tiền lương làm thêm. Mỗi nước và mỗi thể chế xã hội có mức thuế thu nhập khác nhau. Dưới đây là một vài thông tin cơ bản về thuế thu nhập ở Nhật Bản.
4.1. Thuế đánh vào việc làm thêm gồm 2 loại : thuế nhà nước và thuế địa phương
Tiền thuế khấu trừ từ tiền lương làm thêm là thuế nhà nước hay còn được gọi là thuế thu nhập cá nhân. Công ty hoặc bên cửa hàng tuyển dụng lao động sẽ thay người làm đóng thuế này cho nhà nước (hoặc cục thuế). Thuế thu nhập cá nhân khác nhau tùy theo mức lương từng người, ví dụ như với công việc biên dịch, thông thường số tiền này khoảng 10% tổng số tiền lương mà bạn nhận được (đối với những đối tượng có thời gian hơn 1 năm lưu trú tại Nhật). Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân là 20% với những người mới sống ở Nhật chưa đầy 1 năm hoặc những người nhận lương 1 năm 1 lần với số tiền vượt quá 1 triệu yên. Tổng số thuế thu nhập cá nhân đã đóng được gửi đến tòa thị chính của tỉnh, thành phố… và dựa trên số tiền đã nộp, thuế địa phương sẽ được truy thu riêng.
4.2. Xác định thuế thu nhập cá nhân dựa vào tổng thu nhập hàng năm ( từ tháng 1 đến tháng 12 )
Thông thường thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho nhà nước được trừ vào tiền lương hàng tháng, tức là xác định tổng số tiền phải đóng căn cứ theo tổng thu nhập trong 1 năm. Vào khoảng trung tuần tháng 2 đến trung tuần tháng 3 hàng năm, người ta cộng dồn tổng thu nhập trong 1 năm sau đó trừ đi các chi phí cần thiết sẽ còn lại số thu nhập chịu thuế. Đối chiếu mức thuế của số thu nhập này với số tiền thuế đã nộp, sau đó nộp tờ khai cho cục thuế để họ quyết định số thuế cuối cùng phải nộp, quá trình này được gọi là “kê khai thuế thu nhập”. Trường hợp số tiền thuế đã đóng nhiều hơn so với mức thuế đã kê khai, phần dư sẽ được trả lại cho ngườiđóng thuế.
4.3. Kê khai thuế thu nhập tại phòng thuế ở nơi cư trú vào trung tuần tháng 2 đến tháng 3 hàng năm
Kê khai thuế thu nhập được tiến hành tại phòng thuế trực thuộc tỉnh, thành phố… nơi bạn cư trú. Bạn có thể hỏi phòng thị chính của tỉnh, thành phố nếu không biết về phòng thuế. Phương thức kê khai thuế là : đến phòng thuế lấy tờ khai, điền đầy đủ các mục cần thiết rồi nộp lại. Những người lần đầu mới kê khai hoặc không biết cách làm, có thể nhờ nhân viên phòng thuế hướng dẫn. Do vậy, các bạn hãy cầm theo “giấy chứng nhận đã đóng thuế” (nhận được từ nơi phát lương hàng tháng) đến văn phòng thuế để được trợ giúp.
HAVICO
(Tổng hợp)