Sau 1 năm trên đất Nhật, tôi đã học được 15 điều làm thay đổi cuộc sống

Với nhà báo Mỹ Amy Chavez, một năm sống ở Nhật Bản không chỉ mang lại cho cô những kiến thức và trải nghiệm mới mà còn là những bài học cuộc sống từ xứ sở hoa anh đào.

Amy Chavez là một nhà báo Mỹ đang sống tại đảo Shiraishi, Nhật Bản. Trong mắt cô gái trẻ, Nhật Bản là một đất nước có sức mê đắm đến lạ kỳ. Tất cả mọi thứ ở đây đều đem đến ấn tượng hào nhoáng nhưng không kém phần mới mẻ: những con phố sạch sẽ, tàu chạy đúng giờ, người dân thân thiện và lịch sự.

Dù là một chuyến đi ngắn tới Nhật Bản, bạn cũng sẽ có được một cái nhìn mới về cuộc đời, về những gì vẫn đang trôi chảy nhưng bạn không nhận ra mọi thứ cho tới khi thực sự trải nghiệm nó. Rời Nhật Bản, hành trang lớn nhất của cô là 15 bài học về cuộc đời mà Nhật Bản đã cho cô, nhiều hơn những gì mong đợi ở đất nước này.

“Không có ai trở về nước như con người vốn có của họ. Mỗi chuyến đi sẽ cho ta một cái nhìn mới và hành trang trở về là những bài học cuộc đời”.

Nhận ơn, đừng chỉ biết giữ cho riêng mình
Tại Nhật Bản, bạn sẽ thấy rằng việc được người khác giúp đỡ là chuyện bình thường, nhưng cũng nhớ đáp lại tấm chân tình của họ hoặc biết giúp đỡ những người khác. Người ta không mong được đáp lại lòng tốt, nhưng một hành động thể hiện sự biết ơn sẽ khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn trong mắt họ.
Coi nào, nếu anh chàng hàng xóm giúp bạn khuôn chiếc ghế sofa mới vào nhà, chẳng lẽ bạn không mời được anh ý một cốc nước?

Sống biết cảm ơn!
Nếu ai đó từng giúp bạn, người Nhật luôn nhớ để cảm ơn họ trong lần sau gặp lại. Nghe có vẻ hơi khách sáo nhưng chắc chắn ai cũng sẽ vui vẻ khi bắt đầu một câu chuyện bằng cách chân thật như vậy:
“Ồ, cảm ơn anh vì hôm đấy đã giúp tôi chuyển ghế sofa nhé. Anh thật tử tế”.

Đặt người khác lên trước bản thân mình
Cách tốt nhất để cho ai đó biết là họ quan trọng tới nhường nào với bạn là đặt người đó lên trước bản thân mình. Hãy cho bạn của bạn miếng bánh lớn nhất, cho những người thân một chỗ ngồi thoải mái trong nhà hàng hay dành cho vị khách một chỗ trang trọng nhất trong bức hình.
Giống như ở Nhật Bản, khách tới chơi nhà luôn được dành cho chỗ ngồi cạnh lò sưởi nhất trong mùa đông hay chỗ ngồi với nhiều các món đồ trang trí đẹp mắt trong phòng khách, nơi họ cảm thấy dễ chịu và thư thái.

Phép lịch sự không chỉ là lời “cảm ơn” hay “xin lỗi”
Sự lịch thiệp là một yếu tố quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Nếu bạn dừng trên phố để hỏi ai đó đường, bạn sẽ nhận được những lời hướng dẫn rất cụ thể, hoặc thậm chí họ còn đi theo bạn một đoạn để chỉ đường cho bạn.

Đừng tách ai ra khỏi nhóm
Ở Nhật Bản, sẽ hiếm có chuyện đi tiệc hay uống rượu mà chỉ có vài đồng nghiệp. Tất cả mọi người đều được mời! Sẽ không có những khoảnh khắc ngại ngùng khi ai đó nhận ra họ không được mời và hỏi lại bạn. Và dù là khi chụp ảnh cũng vậy, không kể là thành viên gia đình, bạn bè hay một người nào đó vô tình có ở đó, tất cả sẽ cùng đứng vào chung một bức hình.

Tôn trọng tài sản của người khác
Trong tiếng Anh có một câu thành ngữ: “người tìm được thì người đấy giữ, kẻ nào thua cuộc thì kẻ đó khóc”. Câu nói này sẽ không đúng ở Nhật Bản khi nếu bạn làm rơi một cái ô hay đồ vật gì đó quý giá trên vỉa hè, họ sẽ tìm lại được nó ở đúng vị trí đó hoặc một chiếc ghế gần đó khi quay lại.

Uống rượu không đánh nhau
Kể cả các khách du lịch tới Nhật Bản cũng nhận ra rằng có nhiều gã say xỉn trên đường phố vào buổi tối. Dù vậy, uống rượu không đồng nghĩa với việc rằng họ sẽ đánh nhau hay gây lộn. Bạn có thể bắt gặp những nhân viên văn phòng say khướt nằm trên ghế đá công viên với bộ quần áo lịch sự và trông họ ngủ rất bình yên.

Những hành vi thô lỗ là không chấp nhận được
Xã hội Nhật Bản đánh giá cao sự khiêm tốn và giản dị. Những người dân xếp hàng dài mà không phàn nàn. Không mấy khi có các vụ ẩu đả trên đường. Ít khi ai đó phải lên giọng, không có những câu nói hoài nghi kiểu “tại sao mày lại dốt thế”, không có cái nhìn hiềm khích như muốn nói “tránh đường ra không mày ăn đòn đấy”.
Và vì thế, khách du lịch cảm thấy thoải mái khi tới đây và được hít thở trong bầu không khí của sự yên bình.

Dịch vụ công được chính phủ kiểm soát rất tốt
Hệ thống đường sắt bậc nhất thế giới (và cả phương tiện giao thông công cộng nói chung), hệ thống thư tín bưu chính hiện đại, chính xác cũng như y tế cộng đồng đạt chuẩn là những ví dụ về những hoạt động mà chính phủ Nhật Bản đang làm rất tốt.
Khó để có thể tìm thấy những cơ sở tư nhân nào có thể làm tốt hơn chính phủ trong các lĩnh vực trên.

Hãy luôn biết lắng nghe
Người Nhật luôn cho bạn cơ hội bày tỏ ý kiến trước. Họ thực sự là những người biết lắng nghe người khác. Tới Nhật Bản, một trong những điều quan trọng bạn học được là biết lắng nghe người khác và không cố gắng “áp đảo” trong một cuộc hội thoại.
Nhờ vậy, bạn sẽ trở nên nhẫn nhịn và ít đánh giá người khác hơn. Thay vào đó, ban sẽ cố gắng để hiểu và đặt mình vào vị trí của người nói.

Không cần nói ra để biết mình yêu nước
Sâu trong thâm tâm, mỗi người đều cảm nhận thấy rằng quốc gia của họ là tốt nhất trên thế giới. Do vậy, họ không cần chứng tỏ với người nước ngoài đất nước họ tuyệt vời ra sao. Và thông thường, họ không nói kiểu như “đường sắt ở nước chúng tôi là tốt nhất trên thế giới”.

Lời hứa luôn cần được thực hiện
Đôi khi chúng ta không muốn thực hiện lời hứa khi thấy nó quá tốn thời gian, tiền bạc và công sức. Tuy nhiên ở Nhật, nếu đã hứa, người ta sẽ cố gắng để thực hiện nó tới cùng.

Hãy sống có trách nhiệm
Trong trận đấu bóng đá tại World Cup 2014, người hâm mộ Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ khi họ đứng dậy và dọn sạch chỗ họ ngồi tại sân vận động. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi tới Nhật Bản và phát hiện ra rằng người Nhật luôn tự dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ khi đứng dậy. Dù là khi đi cắm trại, sau khi đứng dậy, họ sẽ mang tất cả rác rưởi về nhà để phân loại rồi vứt.

Luôn luôn đúng giờ
Một trong những điều mọi người đều học được khi tới Nhật Bản là việc đúng giờ. Nó thể hiện sự tôn trọng dành cho người khác và giải thích tại sao mọi thứ ở quốc gia này đều được vận hành trơn tru và hiệu quả.

Những con người thanh lịch
Nếu phải dùng một từ để miêu tả người Nhật Bản, đó sẽ là “thanh lịch”. Từ tất cả tầng lớp xã hội, không kể nguồn gốc hay thu nhập, người dân Nhật Bản đều cư xử với mọi người hết sức nhã nhặn, thanh lịch. Ví dụ. không ai dùng ngón tay của mình để chỉ vào người khác. Thay vào đó, họ sẽ dùng những cử chỉ nhã nhặn hơn.
Họ luôn ăn mặc chỉn chu, với một nụ cười thường trực trên gương mặt và luôn dùng cả 2 tay để đưa đồ cho người khác.

Theo Trí thức trẻ

Bình luận:
0/5 (0 Reviews)
CHIA SẺ