Nhật Bản là một trong số ít những quốc gia Đông Á không đón năm mới theo Âm lịch như nhiều nước láng giềng, mà người Nhật hiện đại đón năm mới theo Dương lịch. Người Nhật gọi dịp này là Oshogatsu và đây là sự kiện để họ nghênh đón vị thần Toshigamisama.

Lịch sử ghi nhận trước đây, người Nhật cũng từng ăn Tết theo âm lịch, nhưng họ bắt đầu chuyển sang đón Tết dương lịch theo phương tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức 1873. Theo dòng chảy của thời gian, phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được nét truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó cũng thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây quá quá trình giao lưu, tương tác.

Oshogatsu trong tiếng Nhật vốn là tên gọi của tháng Giêng, hiện nay thường dùng để chỉ khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 3 của tháng đầu tiên trong năm. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho Oshogatsu từ ngày 8 và kết thúc vào ngày 12 của tháng 12 (riêng vùng Kanto là ngày 13).

Với họ, việc trang trí một cây thông trước cửa nhà, trước cửa hàng hay công ty vào dịp trước Tết là điều không thể thiếu. Tương truyền rằng vị thần Toshigamisama – vị thần đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây thông nên gia đình càng chăm chút cây thông thật đẹp, với hi vọng thần sẽ ban nhiều may mắn. Trước đây, người Nhật thường dựng cây thông vào ngày 8/12 là ngày bắt đầu các công việc chuẩn bị đón Tết, còn hiện tại là ngày 27 hoặc 28 và thường tránh dựng cây thông vào ngày 29 và đêm giao thừa. Họ cho rằng ngày 29 có số 9 mà số 9 trong tiếng Nhật cùng âm đọc với chữ ‘khổ’, còn nếu vào đêm giao thừa sẽ bị coi là thất lễ vì nghênh đón sơ sài.

Ngoài trang trí cây thông, trên khung cửa, không ít gia đình còn trang trí bằng đồ đan bằng lá màu trắng, quả quýt, thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… tượng trưng cho nhiều mong ước, nhiều ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.

Trong đó, quả quýt có âm đọc trong tiếng Nhật giống như ‘đời đời’, tượng trưng cho muôn đời thịnh vượng, thừng bện bằng cỏ được treo ở điện thờ hoặc nơi thờ cúng cầu tài lộc; lá màu trắng nói lên sự trinh bạch không tì vết, còn dải giấy trắng mang ý nghĩa tẩy sạch vết nhơ và xua đuổi tà ma.

Đêm 30 tết là thời gian gia đình sum họp, ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Vào đúng 0h đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuôi 108 con quỷ sứ. Và trong tiếng chuông ngân vang, mọi người cùng nhau nói lời chúc mừng năm mới. Chủ nhà sẽ rút quạt ra đọc lời chúc mừng, cả nhà đồng thanh chúc tụng, rồi thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống.

Người Nhật tin rằng, vị thần Toshigamisama sẽ truyền cho gia chủ một nguồn sinh lực mới vào những chiếc bánh Tết (bánh làm từ gạo được gọi là Omochi), nên sau khi cúng thần, những chiếc bánh sẽ được chia để cùng thưởng thức. Những chiếc bánh cũng được xem là quà lì xì cho trẻ con để cầu mong được khỏe mạnh, gia tộc an khang thịnh vượng.

Cũng giống nhiều nước châu Á, người Nhật thường đi lễ chùa đầu năm mới. Người ta sẽ tới ngôi chùa nằm ở hướng được cho là hướng tốt trong năm đó. Trước khi đi lễ, họ rửa sạch tay và súc miệng sạch sẽ. Tiền hương hoa dâng Phật là những đồng tiền họ tung vào hòm công đức đặt trước điện thờ. Người làm lễ chắp tay lạy hai lễ, vỗ tay hai lần rồi chắp tay cầu nguyện trước khi lạy một lễ cuối cùng. Người Nhật thường bỏ tiền ra rút quẻ hoặc mua một mũi tên thần nhằm cầu mong được thần phật phù hộ độ trì cho một năm mới bình an, phát đạt.

Trong các ngày mùng 1 và mùng 2, người Nhật sẽ thực hiện các cuộc viếng thăm đầu xuân. Họ tới chúc tết các cấp trên ở công ty, chúc tết họ hàng, người thân, bạn bè, hàng xóm… Thông thường mỗi nhà sẽ để một cuốn sổ kèm bút trước cổng để khách đến chúc tết ghi lại tên hoặc lưu dah thiếp thông báo đến nhà. Hoặc nhiều khách sẽ mang khăn tay nhỏ có tên mình tặng chủ nhà làm quà kỷ niệm.

Oshogatsu là khoảng thời gian đặc biệt yêu thích của trẻ em Nhật Bản vì các em sẽ được nhận tiền mừng tuổi. Tiền mừng tuổi trong tiếng Nhật là ‘Otoshidama’, từ này xuất phát từ ý nghĩa chỉ sức mạnh của vị thần Toshigamisama. Một trong những nét đặc sắc của phong tục đón tết của người Nhật là tập quán gửi thiếp chúc mừng năm mới. Tập quán này tương đối giống các nước Âu-Mỹ, song thực tế khởi nguồn từ Trung Quốc và du nhập vào Nhật Bản.

Theo đó, vào cuối năm người Nhật thường chuẩn bị các tấm thiệp ghi lời cảm ơn và lời chúc mừng trang trọng nhất tới những người quen biết. Phong tục này thể hiện rất rõ truyền thống văn hóa ‘cảm ơn’ của người Nhật. Bưu thiếp chuyển tới tay người nhận vào đúng ngày mùng Một.

Điều đặc biệt nữa là đối với những ai có người thân vừa qua đời trong năm thì sẽ không gửi hay nhận thiếp năm mới từ bất cứ ai để họ có thể tĩnh tâm tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1990 thì việc gửi lời chúc mừng năm mới qua điện thoại, email thay vì gửi bưu thiếp trở nên phổ biến hơn.

Oshogatsu là một trong những dịp lễ hội tồn tại lâu đời nhất ở Nhật Bản. Cùng với sự phát triển, hiện nay không khí Oshogatsu ở Nhật không còn đầy đủ và bình lặng như xưa và nhiều người Nhật trung niên và cao tuổi mỗi khi năm mới đến vẫn thường ngưỡng vọng về những ngày Oshogatsu xưa kia.

HAVICO

Theo Nguoiduatin.vn

Bình luận:
5/5 (1 Review)
CHIA SẺ