LỄ HỘI TIÊU BIỂU CỦA NHẬT BẢN

Mặc dầu là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, nhưng những lễ hội hàng năm của Nhật Bản vẫn còn như nguyên vẹn. Mỗi mùa đều có những lễ hội khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của mỗi vùng. Tham gia vào những lễ hội này chúng ta sẽ có dịp hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và con người tại đây, cũng như thêm yêu mến đất nước hoa anh đào.

Ở Nhật Bản trong một năm có rất nhiều những ngày diễn ra các sự kiện sinh hoạt văn hoá lễ nghi có tính định kỳ. Những ngày này được chia một cách tương đối làm hai loại: Lễ hội (Matsuri) và ngày lễ hàng năm (Nenchù gyòji). Lễ hội (Matsuri) là cái vốn có của Nhật Bản, bắt nguồn từ những tín ngưỡng Thần đạo, còn ngày lễ hàng năm (Nenchù gyòji) là khái niệm rộng hơn chỉ các sự kiện văn hoá diễn ra định kỳ theo mùa trong năm, rất nhiều trong số đó là những ngày lễ có nguồn gốc từ Phật giáo hay từ Trung Quốc. Ngày lễ hàng năm (Nenchù gyòji) được diễn ra gắn với từng mùa tạo thành một thứ lịch về các ngày lễ hàng năm. Có những lễ hội (Matsuri) cũng là những sự kiện trong lịch những ngày lễ hàng năm, nhiều sự kiện ngày lễ trong năm mang cả tính chất của lễ hội. Sau đây là một vài trong số những lễ hội và ngày lễ hàng năm điển hình.

Lễ hội búp bê (Hina matsuri) được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng Ba. Các gia đình có con gái bày một bộ búp bê Hina (gồm có búp bê hình Thiên hoàng, Hoàng hậu, những người hầu và nhạc công trong bộ trang phục cung đình cổ xưa), tổ chức ăn bánh hishimochi và uống rượu shirosake (sake trắng) để mừng ngày hội.

Ngày trẻ em (Kodomo no Hi) diễn ra vào mồng 5 tháng Năm. Ngày xưa gọi là tết Đoan ngọ và trở thành ngày nghỉ toàn quốc ở Nhật Bản từ năm 1948. Mặc dù gọi là ngày trẻ em nhưng thực ra đó là ngày lễ dành cho các bé trai. Các gia đình có con trai thường treo trên nóc nhà mình những dải cờ hình cá chép tượng trưng cho sức mạnh và trong nhà bày búp bê hình võ sĩ và áo giáp.

Lễ Bon (Urabon, Obon) được tổ chức vào tháng Bảy (có vùng lại tổ chức vào tháng Tám) từ ngày 13 đến 15. Đây là dịp để người Nhật tưởng nhớ linh hồn tổ tiên đã khuất. Theo nghi lễ truyền thống, người ta chuẩn bị đón tổ tiên về nhà bằng cách lau chùi nấm mộ, dọn đường đi từ mộ về nhà và cúng những con ngựa và trâu bằng rơm bện như phương tiện đi lại rồi đốt lửa hay thắp đèn lồng từ mộ đến nhà để chỉ lối cho linh hồn tổ tiên và người thân đã chết biết lối đi về, làm cỗ cúng gia tiên tại nhà và cử hành điệu nhảy Bon đặc biệt có tên là odori quanh khu vực cư dân. Bon là một dịp lễ quan trọng trong năm, các thành viên trong gia tộc dù có sống xa nhau bao nhiêu thì ngày này cũng cố trở về tụ họp bên nhau để làm lễ cúng tổ tiên ông bà.

Lễ Vu Lan (hay còn gọi là Lễ xá tội vong nhân) vào dịp rằm tháng bảy âm lịch hằng năm là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Nhật Bản cũng có một lễ hội mang ý nghĩa tương tự, Thường gọi là Obon diễn ra vào tháng 8 dương lịch. Tại lễ hội, các gia đình Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một đợt nghỉ khá dài, gọi là kỳ nghỉ Obon. Kỳ nghỉ này thực sự là những ngày gia đình đối với những người Nhật Bản. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà của mình, hoặc đi viếng mộ những người thân trong gia đình. Đây còn là lễ hội của toàn nước Nhật, mang sắc màu linh thiêng và một chút huyền bí được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng.

Lễ hội Obon mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế, nó cũng giống như ngày rằm tháng bảy là ngày Xá tội vong nhân (hay còn gọi là Lễ Vu lan) ở nước ta. Việt Nam ta có tục đốt vàng mã để dâng đến Tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, thì ở Nhật Bảnphong tục này cũng gần như vậy. Đồ cúng của các gia đìnhNhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại được trình bày rất đẹp mắt. Trong dịp lễ Obon, một số lễ hội pháo hoa lớn cũng được tổ chức ở các nơi trên đất nước Nhật Bản.

Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hộiObon này. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8. Lễ hội này thu hút rất nhiều người Nhật Bản cũng như du khách từ khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ đồng hồ. Đây chính là hình ảnh tuyệt vời giữa đêm mùa hè của Cố đô Nhật Bản. Các đám lửa được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán ở năm ngọn núi, bắt đầu bằng ngọn núi chữ Đại (Daimonji), Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với Chùa Vàng, và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii, có nghĩa là Cổng lên trời. Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc Lễ dâng lửa này, nhưng đa số cho rằng, phong tục này bắt đầu vào thời Muromachi (1336-1573). Trong khi dâng lửa, cả những người tham gia đốt lửa và những người đi xem đều gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên qua ánh sáng của ngọn lửa. Sau khi các đám lửa đã cháy hết, các điệu múa của Lễ hộiObon sẽ được tổ chức ở chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Các điệu múa truyền thống thường diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ.

(Tổng hợp)

Bình luận:
5/5 (1 Review)
CHIA SẺ