Đã qua 15 năm đầu tiên của một thế kỷ, một thiên niên kỷ mới – một thế kỷ, một thiên niên kỷ từ lâu đã được dự đoán là thời kì phát triển mạnh mẽ của kinh tế, của khoa học và công nghệ. Quả nhiên, hơn một thập kỷ qua chúng ta đã chứng kiến những bước nhảy vọt thần kỳ của khoa học công nghệ, của các ngành công nghiệp, của các nền kinh tế khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng bên cạnh đó, sự phát triển gia tốc cũng đẩy cao thêm những áp lực. Vậy nên mới có những cuộc suy thoái, những khủng hoảng và lạm phát mà chính Việt Nam ta đã nhiều lần không tránh khỏi. Để ngăn ngừa những suy thoái và khủng hoảng, và hơn thế nữa để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, ngày càng tiến gần hơn tới với các cường quốc thì điều kiện tiên quyết không thể thiếu là tri thức.
Từ lâu, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích học tập, đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ trí thức nước nhà. Chúng ta đã có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, kĩ sư … có năng lực cao đang làm việc và cống hiến trong những ngành nghề chủ lực của nền kinh tế. Nhưng với sự tăng trưởng vũ bão về mọi mặt và những ảnh hưởng tương tác của công cuộc hội nhập hóa toàn cầu thì đội ngũ đó, tin chắc rằng cần đông đảo hơn, hoàn thiện hơn nhiều nữa. Để xây dựng được một đội ngũ trí thức hùng mạnh, góp sức xây dựng nền kinh tế đất nước thì trước nhất cần làm không đâu khác nằm ở giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo lúc này không chỉ là mang tới kiến thức và kĩ năng, mà còn phải là cầu nối cho tuổi trẻ tới với những chân trời tri thức mới, là tác nhân xáo động và thay đổi tư duy cho mỗi người trẻ, mỗi trí thức tương lai.
Du học Nhật Bản, theo tôi là một giải pháp quí giá cho bài toán nhân rộng lực lượng trí thức của nước ta. Chẳng đâu xa mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là một tấm gương sáng chói để chúng ta noi theo về tinh thần vượt gian khó, học lấy và chắt lọc những tinh hoa trí tuệ thế giới, làm nên chiến thắng vĩ đại cho dân tộc. Nhật Bản ngày nay là một cường quốc không chỉ về kinh tế phát triển mà còn nổi tiếng về văn hóa, về tác phong làm việc và cả nhân sinh quan rất đậm chất nhân văn. Vậy nên gây dựng đội ngũ trí thức thông qua học tập từ đất nước này là vô cùng sáng suốt.
Nếu như nước Nhật là một chân trời trí tuệ và nhân văn cho những trí thức tương lai, thì tôi tin HAVICO chính là một cánh cửa lớn, một cây cầu vững chắc kết nối trí tuệ trẻ Việt Nam tới với chân trời rộng mở đó. Tôi xin chúc cho HAVICO mỗi ngày một lớn mạnh và đi lên, để luôn là nơi ươm trồng những tài năng cho đất nước, hôm nay và mai sau.
Tiến sĩ Đoàn Mạnh Phương
Uỷ viên thường vụ Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội
Tổng biên tập tạp chí Trí thức và Phát triển