Những năm vừa qua, du học Nhật Bản đã không còn xa lạ gì với người Việt Nam. Dù vậy, vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về chất lượng đào tạo và tiềm năng chờ đợi các du học sinh sang Nhật Bản. Bản thân tôi đã có đôi lần sang đất nước Mặt Trời mọc và tham quan môi trường giáo dục, cũng như đã có không ít học sinh của tôi đã hoặc đang là du học sinh tại quốc gia này, tôi dám khẳng định rằng du học Nhật Bản là một giải pháp ưu việt cho những vấn đề còn nhiều băn khoăn về học tập và việc làm sau tốt nghiệp của thế hệ trẻ ngày nay.
Đối tác chiến lược
Trước hết, nói về tương lai của du học sinh tới Nhật Bản thì chúng ta có thể thấy ngay một yếu tố tiên quyết. Đó là hiện nay Nhật Bản đang coi Việt Nam là đối tác chiến lược về thị trường lao động ở châu Á. Có nhiều người hoài nghi về vấn đề này và đặt ra nghi vấn là “Tại sao một cường quốc hàng đầu về kinh tế và công nghệ lại chọn Việt Nam là đối tác chiến lược?”
Đây là câu hỏi rất có lý. Tuy vậy nếu hiểu về xã hội và nhu cầu lao động ở Nhật Bản hiện nay thì chúng ta biết rằng nước Nhật hiện là quốc gia có dân số già (từ 65 tuổi trở lên theo thống kế năm 2013 là 25,1%; dự báo đến năm 2050 tỷ lệ này là 40,1%), trong khi các ngành công nghiệp lại phát triển vào loại hàng đầu thế giới. Vậy nên việc thiếu lao động (cả lao động phổ thông lẫn lao động trình độ cao) đang là một vấn đề rất lớn của quốc gia này. Để tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp của mình, các doanh nghiệp Nhật Bản cần tìm kiếm nguồn lao động dưới hai hình thức: Thứ nhất là tuyển lao động từ các nước lân cận sang tận nơi làm việc và thứ hai là trực tiếp đầu tư vào các nước lân cận có tiềm năng.
Tại sao lại là Việt Nam?
Rất đơn giản, lao động Việt Nam được nước bạn đánh giá là thông minh và sáng tạo trong công việc, và đồng thời tất nhiên bản thân nguồn lao động tại Việt Nam hiện nay khá dồi dào. Chúng ta có thể đặt câu hỏi về Trung Quốc, một quốc gia có nguồn nhân lực còn lớn hơn rất nhiều và lại rất gần nước Nhật. Tuy nhiên có một thực tế nhiều năm qua là quan hệ chính trị giữa hai cường quốc này không được như mong muốn, do đó việc sử dụng lao động từ một đối tác đang có khuynh hướng xung đột hẳn không phải một lựa chọn thông minh cho chiến lược phát triển lâu dài. Riêng đối với việc đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam thì còn một nguyên nhân nữa, đó là chúng ta không chỉ có nguồn lao động trẻ mà còn là quốc gia giàu tài nguyên và rất ít thiên tai (không như Nhật vốn là khu vực có hoạt động địa chất không ổn định nên các thảm họa từ thiên nhiên xảy ra nhiều).
Vị trí địa lý cũng tạo một lợi thế quan trọng cho chúng ta. Giao thông đường biển giữa Việt Nam và Nhật Bản tỏ ra tiện lợi cho công tác vận chuyển, chưa kể điều kiện chính trị ổn định mang lại sự bảo đảm cần thiết cho bất cứ nhà đầu tư nào khi chọn điểm đến cho mình.
Bằng chứng rõ ràng cho thiện chí của Nhật Bản đối với thị trường lao động Việt Nam là ODA đầu tư từ Nhật vào nước ta tăng lên rất nhanh những năm qua, đồng thời nước bạn cũng đã đặt mục tiêu sớm đạt 500.000 lao động người Việt làm việc tại Nhật Bản.
Với những yếu tố như vậy, thì việc hướng mục tiêu của thế hệ trẻ ngày nay tới thị trường lao động của Nhật Bản là điều hết sức đúng đắn và không thể bỏ qua.
Thế mạnh của du học Nhật Bản
Để làm rõ những thế mạnh của việc du học tại đất nước hoa anh đào này, tôi xin được dành một vài dòng cho những giải pháp thông dụng khác mà học sinh và các bậc phụ huynh đều biết tới.
Giải pháp thứ nhất mà ai cũng biết là thi vào đại học sau khi kết thúc chương trình học của các cấp phổ thông. Hiển nhiên đây là một lựa chọn tốt vì học đại học mang lại rất nhiều tri thức về chuyên môn cũng như xã hội, đồng thời cũng là bàn đạp cho việc tìm kiếm việc làm khi các em ra trường. Tuy nhiên, chúng ta hãy thử để ý thì thấy rằng khoảng 10 năm qua số lượng trường cao đẳng, đại học trong nước tăng lên chóng mặt. Việc thi vào đại học cách đây khoảng hơn một thập kỷ từng là khó khăn và tấm bằng đại học từng rất có giá trị. Nhưng ngày nay với sự gia tăng về số lượng trường kéo theo tăng về tổng chỉ tiêu tuyển sinh thì việc một học sinh vào được một trường đại học nào đó chẳng còn gì là khó, nhất là với các em tại các thành phố thì việc vào đại học gần như là đương nhiên. Vậy nên tấm bằng đại học trong nước giờ đây chẳng còn nhiều giá trị như trước. Nhà tuyển dụng khi tìm kiếm nhân sự chỉ còn coi bằng đại học là một thủ tục không hơn, nên để “trúng tuyển” các cuộc tuyển dụng này thì các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp lại phải cố lấy được đủ thứ chứng chỉ và rèn luyện rất nhiều kĩ năng khác nữa. Những em học 4 hoặc 5 năm đại học trong nước xong có việc làm tốt (bảo đảm cuộc sống và có tương lai) ngày nay rất ít. Trong khi đó những em phải đi học thêm ở các trường, lớp, trung tâm, hay thậm chí …tự trả giá bằng kinh nghiệm thực tế chiếm tỷ lệ lớn. Và như vậy dù sau đó có việc làm tốt thì tổng thời gian và chi phí tài chính là quá lớn. Vậy nên thực tế là học đại học trong nước ngày nay là giải pháp tốt cho những em có khả năng phù hợp với chuyên ngành, nhưng không phải cho tất cả.
Giải pháp thứ hai là du học tại các quốc gia phát triển ở phương Tây. Giải pháp này rất nhiều gia đình mong muốn, tuy nhiên một thực tế là ngoại trừ một số rất ít em xuất sắc tự xin được học bổng của các trường có uy tín thì số còn lại để đi được cần đầu tư lớn – điều mà không nhiều gia đình có thể làm được. Trong khi đó nếu chỉ thuần túy là đầu tư tài chính thì các trường nhận các em vào cũng không phải những trường quá uy tín, cộng với sự cách biệt về văn hóa Đông – Tây nên tỷ lệ các em du học ở các quốc gia phương Tây về và có công việc như mong muốn cũng không cao.
Tôi xin trở lại với du học Nhật Bản. Hiện nay mô hình phổ biến cho các em học sinh tốt nghiệp phổ thông hay thậm chí đã tốt nghiệp đại học là đi sang Nhật theo hệ vừa học vừa làm. Với mô hình này, chi phí của bản thân hoặc gia đình bỏ ra ban đầu không hề cao (chỉ từ 180 tới 250 triệu đồng, tức là không hề cao hơn chi phí ăn học cho sinh viên đại học ở Việt Nam hiện nay, có khó khăn hơn chẳng chỉ ở chỗ khoản đầu tư này là cùng lúc). Vậy nhưng những kết quả thu được thì rất lớn và bảo đảm.
Về xã hội, không cần nói nhiều thì ngày nay chúng ta đều biết Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa đặc sắc và môi trường xã hội văn minh số một của châu Á, cũng như một trong những xã hội mẫu mực của cả thế giới. Vài lần sang tận nơi và khá nhiều lần khác tiếp xúc với người Nhật tại Việt Nam, tôi vô cùng ấn tượng với sự lịch lãm và tính chính xác, chuyên nghiệp trong công việc cũng như trong giao tiếp của họ. Tôi luôn nói với học sinh của mình rằng “Các em muốn thành công, trước hết cứ học tập tác phong của người Nhật.”.
Về môi trường học tập và làm việc, Nhật Bản hiện là một trong những cường quốc hàng đầu về kinh tế, khoa học công nghệ. Môi trường tại Nhật là môi trường không chỉ tiện nghi mà còn văn minh, chuyên nghiệp, và cực kì hiệu quả. Bằng cấp và chứng chỉ do các trường cao đẳng, đại học của Nhật cấp có giá trị cao và được thừa nhận trên toàn thế giới, khác với tuyệt đại đa số bằng cấp tại Việt Nam. Mặt khác, với chiến lược hợp tác lâu dài hai nước như đã nêu, các trường và doanh nghiệp liên kết đều tạo điều kiện tối đa và bảo đảm chắc chắn các du học sinh đã được cấp visa và nhập học đều có việc làm thêm với thu nhập bảo đảm.
Tương lai việc làm
Bất cứ học ngành nghề gì, ở đâu thì bản thân học sinh cũng như các bậc phụ huynh bao giờ cũng nghĩ tới việc sau này học xong các em sẽ làm ở đâu, môi trường có lành mạnh, văn minh và thu nhập có cao không.
Vậy thì xin trả lời, với những ưu thế như trên, du học sinh học tập tại Nhật sau khi hoàn thành có đầy đủ điều kiện để bảo đảm một tương lai với công việc tốt.
Theo chương trình du học theo hệ vừa học vừa làm ngày nay mà rất nhiều trường Nhật ngữ liên kết với Việt Nam, sau khi sang Nhật và nhập học các em sẽ được đào tạo tiếng Nhật để lấy chứng chỉ N2. Hiện nay, chỉ cần chứng chỉ này trong tay là đã kiếm được mức lương 2000 đến 3000 USD nếu ở lại Nhật Bản và khoảng 800 đến 1000 USD khi làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư vốn vào Việt Nam. Đó là một mức thu nhập cao mà rất ít sinh viên tốt nghiệp trong nước có ngay được. Chưa kể sau khi có chứng chỉ tiếng Nhật, theo chương trình học các em sẽ tiếp tục học chuyên ngành tại các trường cao đẳng, đại học và có bằng để tham gia các công việc chuyên môn có tương lai rộng mở hơn nữa. Đến nay, nhiều học sinh cũ của tôi sau khi đi du học theo chương trình vừa học vừa làm tại Nhật dù ở lại hay về nước đều có những bước khởi nghiệp mà theo tôi là rất hứa hẹn.
Mặt khác, như đã phân tích phía trên, nguồn việc làm cho du học sinh là vô cùng phong phú và bảo đảm lâu dài do nước Nhật đang rất cần đội ngũ lao động trẻ tuổi, và bản thân chỉnh phủ Nhật Bản cũng đã xác định Việt Nam là đối tác chiến lược cho sự phát triển tương lai.
Du học hay xuất khẩu lao động?
Nhiều người khi mới nghe tới vừa học vừa làm tại Nhật cho rằng đây chỉ là hình thức xuất khẩu lao đông trá hình. Một số khác lại cho rằng xuất khẩu lao động thì đỡ mất thời gian hơn vì ngay khi sang tới nơi là người lao động có thể kiếm tiền và để dành làm vốn gửi về hoặc sau này mang về Việt Nam. Tôi xin khẳng định, du học theo mô hình vừa học vừa làm rất khác với xuất khẩu lao động và tương lai được bảo đảm hơn hoàn toàn.
Trước hết, xuất khẩu lao động thuần túy thì người lao động chỉ học tiếng Nhật sơ cấp để giao tiếp vừa đủ trong công việc, nên không hề được cấp chứng chỉ N2 như nêu trên chứ chưa nói tới các bằng cấp chuyên môn. Như vậy khi kết thúc thời gian lao động tại Nhật thì người lao động không hề có thêm cơ hội việc làm khi về tới Việt Nam, ngược lại người Nhật cũng không có ý định thuê lao động phổ thông dài hạn. Tiếp theo, khi đã về Việt Nam, thông thường người lao động tiết kiệm được khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng không có việc làm cụ thể nên đa phần chọn cách đầu tư kinh doanh dưới mô hình bán lẻ. Số người thành công bằng cách này thực sự ít, trong khi đó số thất bại khá nhiều và khi thất bại người lao động trắng tay y như trước khi đi xuất khẩu lao động, có nghĩa là toàn bộ thời gian đó đã bị lãng phí. Vậy nên rõ ràng với cùng một khoản đầu tư tài chính thì du học là một lựa chọn ưu việt hơn.
Cho tới nay, thị trường du học Nhật Bản tại Việt Nam tuy đã khá phát triển nhưng còn rất nhiều hoài nghi hay do dự, đa phần vì chất lượng của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này còn chưa đồng đều. Nhiều phụ huynh than phiền về điều kiện ăn ở và thu nhập từ việc làm thêm của con em khi sang nước bạn, hay thậm chí chính chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình. Tuy vậy, nếu đầu tư thời gian nghiên cứu và chọn đúng doanh nghiệp có uy tín thì chắc chắn bản thân các em và các bậc phụ huynh không cần phải băn khoăn về những điểm này.
Trong những năm tới, quan hệ hợp tác Việt-Nhật sẽ còn tiếp tục tiến xa và kéo theo là sự bùng nổ của nhu cầu nhân lực. Đây là một cơ hội tốt cho giới trẻ ngày nay. Dù còn những điều lạ lẫm, nhưng bây giờ là lúc chúng ta nắm lấy thời cơ, để tạo dựng một tương lai vững bền cho thế hệ mai sau, cũng là góp sức cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2015
Vũ Phong