Khi chúng ta nhắc tới giáo dục Nhật Bản, điều đầu tiên có thể khẳng định ngay rằng đây là một trong những nền giáo dục phát triển nhất thế giới. Để làm minh chứng cho điều đó một cách rõ ràng nhất, chúng ta hãy nhìn ngay vào những con số đã được thống kê. Hiện nay tỷ lệ mù chữ tại Nhật Bản là xấp xỉ không, tức là cả nước Nhật gần như không có một người mù chữ nào. Cũng tại nền giáo dục này, thống kê năm 2010 cho biết có tới 74,1% học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông học lên đến bậc cao đẳng, đại học. Một tỷ lệ không nhỏ trong số đó tiếp tục học lên bậc cao học và tiến sĩ.
Để đạt được những con số ấn tượng như vậy, Nhật Bản đã cực kì thành công trong việc nghiên cứu, khảo sát và qua đó xây dựng mô hình quản lý, chương trình giáo dục-đào tạo, chuẩn hóa phương pháp dạy học, …
Nói tới các con số, nhiều người ở Việt Nam ta có thể liên tưởng tới một thực trạng còn chưa được khắc phục của nền giáo dục trong nước ngày nay, đó là thứ gọi là bệnh thành tích. Bệnh thành tích này hiểu một cách ngắn gọn là trào lưu cào bằng chất lượng giáo dục để mọi học sinh đều tốt nghiệp, đều xuất sắc, và như vậy mọi ngôi trường và mọi thầy cô giáo đều được ghi nhận thành tích trong khi trên thực tế thì việc cào bằng làm cho chất lượng chung của học sinh và sinh viên tốt nghiệp là rất thấp và kết quả cuối cùng là bằng cấp và danh hiệu không còn mấy giá trị. Nhưng đó là câu chuyện ở Việt Nam chúng ta, và có thể ở một số quốc gia khác nữa, chứ chắc chắn không phải câu chuyện có thể xuất hiện ở nước Nhật.
Chính sách giáo dục của Nhật Bản đặt chất lượng lên cao nhất. Tìm hiểu về họ, chúng ta có thể thấy ở một quốc gia phát triển như vậy nhưng các trường tư lại rất hiếm mà chủ yếu là trường công lập. Lí do rất đơn giản: để tư nhân có thể mở trường, họ phải đáp ứng được những tiêu chí rất cao và được kiểm soát vô cùng chặt chẽ.
Đối với chương trình giáo dục và đào tạo, từng cuốn sách giáo khoa cho từng môn học đều được xây dựng tỉ mỉ và được thông qua nhiều lần kiểm duyệt, nghiên cứu không chỉ về tính chính xác chuyên môn mà còn về mức độ phù hợp với từng đối tượng học sinh. Nếu một bản thảo không đáp ứng được yêu cầu đối với tất cả các loại đối tượng thì thậm chí còn không được đưa vào thử nghiệm. Đội ngũ giáo viên cũng được liên tục bồi dưỡng và kiểm tra để bảo đảm tiêu chuẩn tối thiếu và đồng đều về trình độ. Theo một khảo sát của các chuyên gia giáo dục thế giới thực hiện gần đây thì Nhật Bản là một trong những nước có mức chênh lệch về trình độ của học sinh/sinh viên thấp nhất thế giới – tức là nền giáo dục bảo đảm cho sự đồng đều về trình độ của người học, không có những học sinh/sinh viên yếu kém.
Về phương pháp giảng dạy, nếu tới với một lớp học ở Nhật Bản, điều đầu tiên khiến chúng ta ấn tượng sẽ là sự chủ động của mỗi học sinh. Học sinh ở Nhật không chỉ ngồi một chỗ nghe giảng và ghi lại những gì giáo viên truyền đạt mà chính học sinh là những người chủ động tham gia xây dựng nên giờ học để qua đó kiến thức được tiếp thu một cách tự nhiên nhất. Ngay từ các cấp dưới, học sinh đã thường xuyên tham gia những sinh hoạt giáo dục ý thức cộng đồng, đạo đức và nhân cách cùng nhiều hoạt động nâng cao kĩ năng làm việc tập thể, bồi dưỡng năng lực cảm xúc. Chính nhờ vậy mà học sinh và sinh viên học tập tại Nhật Bản được đánh giá là có khả năng làm chủ kiến thức rất cao, đồng thời cũng là những người có ý thức và tinh thần làm việc rất nghiêm túc và tự tin. Tất cả những điều đó đã khiến cho nền giáo dục của đất nước Mặt Trời mọc được cả thế giới khâm phục.
Riêng đối với du học sinh, Nhật Bản đã xây dựng chính sách từ thế kỉ trước và lượng học sinh, sinh viên từ nhiều quốc gia trên thế giới tới học tập tại nền giáo dục này đã và đang tăng ngày một nhanh hơn mà trong số đó người Việt Nam đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Du học sinh Việt Nam khi sang Nhật theo các chương trình liên kết hợp tác trước hết được nhập học vào các trường Nhật ngữ để lấy chứng chỉ tiếng Nhật đồng thời cũng là để có điều kiện thích nghi với văn hóa và phong cách học tập, làm việc của người Nhật. Sau quá trình học tại trường Nhật ngữ, du học sinh có thể lựa chọn học tập các chuyên ngành ở trình độ cao đẳng, đại học và có thể tiếp tục học lên cao hơn nếu có nhu cầu và say mê. Khác với nhiều ý kiến lo ngại, trên thực tế phương pháp giáo dục và đào tạo chủ động của các trường tại Nhật Bản tuy khắt khe về chất lượng nhưng rất cởi mở và có đầy đủ điều kiện để du học sinh có thể có thời gian làm thêm phù hợp mà không ảnh hưởng tới chất lượng học tập.
Qua tất cả những điều đó, không khó để chúng ta nhìn nhận được rằng môi trường giáo dục Nhật Bản thực sự lý tưởng cho tuổi trẻ ngày nay. Tiếp thu được tri thức của nhân loại và kết hợp với kĩ năng và triết lý làm việc của người Nhật chính là những hành trang lớn nhất, giá trị nhất cho một tương lai vững vàng và phát triển.
Ngọc Ánh