Mưa mù sương phù dung một đóa làm mùa dâng hương
Hoa đinh hương ơi những giọt sương sáng em đừng để rơi
Ôi những hạt sương trân châu từng hạt hiện hình cố hương…
Thật kỳ diệu màn sương, một màn sương giăng mắc quanh đỉnh Phú Sĩ lồng lộng đã mở ra một vũ trụ quan đầy bí ẩn. Nơi ấy chứa đựng sự giao cảm kỳ lạ của vùng trời Nam Á – một Nhật Bản lặng lẽ hiện ra: cái đẹp, niềm vui, nỗi buồn… và sự ám ảnh khó nói thành lời.
Nhật Bản in dấu trong tôi vào một buổi hoàng hôn hiu hắt ngay tại Hà Nội nhộn nhịp này. Giữa lòng thủ đô, một lễ hội Hoa anh đào do chính người Nhật tổ chức đã thu hút bước chân của bao người, trong đó có tôi – một thanh niên trẻ thích tìm tòi những điều mới lạ. Dòng người nhộn nhịp di chuyển nhanh chóng, mùi thức ăn bắt đầu bốc lên nghi ngút, những gian hàng đầy ắp những quà lưu niệm bằng gỗ, hay những quyển truyện tranh đang rất hot lúc bấy giờ. Nhưng với tôi, những thứ ấy đã quá quen thuộc, tôi chỉ bị thu hút bởi hàng cây thấp thoáng phía cuối con đường nơi lễ hội tổ chức. Đó là những cây hoa anh đào. Giữa khoảnh khắc nàng xuân lên ngôi, ban phát cho tạo vật những phép màu tuyệt diệu nhất của nữ hoàng, hoa anh đào vẫn đứng đó nhưng có sự thay da đổi thịt. Tôi nghe người ta nói rằng, vào mùa đông cây anh đào trụi lá, để ấp ủ một sự vươn dậy mãnh liệt hơn, và khi tiết trời trở lại ấm áp, hoa sẽ bắt đầu nở rộ. Ở phía xa xăm mà tôi đang cố tìm cách bước tới là cả một trời hoa trắng hồng, tựa hồ bồng bềnh như những mảnh bông gòn san sát nhau. Phía dưới những gốc cây, dân ta cũng bắt chước người Nhật, trải những tấm mền mỏng, ngồi ngắm hoa anh đào. Tôi cũng đã thử cảm giác ấy, được ngồi dưới mái hoa ngào ngạt hương thơm, được ngắm nét đẹp mê dại đến não nùng của nó, cả tâm hồn tôi như êm dịu đi bội phần, tôi lạc vào một miền thăm thẳm dẫu vô định hình nhưng đầy ắp một thứ niềm vui xa lạ. Không gian của người cảm hoa tĩnh lại, chững lại , những thứ bộn bề, huyên náo xung quanh dường như cũng trở thành một nét đẹp lạ của mùa này. Tôi chợt suy ngẫm về Nhật Bản, một đất nước mà tôi đã biết từ rất lâu, biết qua những quyển truyện tranh hồi thơ dại, biết qua những phim hoạt hình nức tiếng xa gần. Nay Nhật hiện hữu trong tôi như một khát khao tìm hiểu về cái đẹp của một nền văn hóa truyền thống.
Tôi là con người thích trải nghiệm, từ những trải nghiệm ấy tôi mới rút ra được những kiến thức trong cuộc sống. Vì vậy, khi chưa từng đặt chân đến đất nước Nhật Bản, tôi không thể ba hoa mà tỏ ra hiểu biết về địa hình rồi lịch sử hàng thế kỷ của Nhật. Tuy nhiên chưa đi không có nghĩa là chưa tìm hiểu. Đọc những bài viết vô cùng bổ ích về nước Nhật, tôi bỗng nhận ra rằng những thứ hiện hữu tại đất nước này luôn có sự giao cảm đặc biệt với con người nơi đây. Có nhà văn đã từng viết: “Tính mong manh của đời người và của các tòa nhà hiện diện trong sự bất định của vòng xoáy bi ai khôn cùng”. Người Nhật luôn gìn giữ tâm niệm về cuộc sống thanh bình, họ sống hòa mình vào thiên nhiên, coi thiên nhiên như một tri kỉ, một nét giao thoa trong chân cảm và chân mệnh của mình nên cũng không khó hiểu vì sao suốt cả chiều dài lịch sử, họ vẫn duy trì văn hóa dùng gỗ để xây nhà thay vì sử dụng gạch, đá. Quả là không ngoa khi cả thế giới ngưỡng mộ nhân tâm và nhân tài của người dân Nhật Bản. Ẩn dưới cái vẻ nhạt nhòa, băng giá của một xứ lạnh là những con tim nóng bỏng luôn thổn thức một nhịp sống quật cường. Ngày ấy, thời tôi còn học tiểu học, ngay cả ở trong sách giáo khoa tiếng Việt cũng đã dạy học sinh những bài viết về vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản. Đế quốc Nhật vừa sụp đổ sau chiến tranh, nay phải hứng trọn cái thử nghiệm điên rồ của Mỹ. Nhật tàn tạ đau thương trong những nỗi xót xa mất nhà, mất cửa, mất người thân của triệu miền đời nơi ấy. Vậy mà Nhật đã đứng lên, sức mạnh tiềm tàng của người dân được khơi gợi mạnh mẽ, không biết từ khi nào những con người chân chất ấy lại trở nên ngoan cường đến vậy. Họ đối mặt với nghịch cảnh gian lao, đi lên từ con số âm và ngày nay đã trở thành một quốc gia hàng đầu thế giới trên nhiều mặt. Chìa khóa để phát triển thành công một quốc gia chính là tiềm lực về con người. Sống hòa nhập với thiên nhiên nhưng người bạn ấy lại luôn mang đến cho Nhật những điều thật phiền toái – thiên tai. Dường như năm nào tại Nhật Bản cũng xảy ra động đất, sóng thần không thì lũ lụt một cách triền miên. Chỉ trong tích tắc thôi, những thảm họa ấy có thể phá hủy mọi thành quả lao động của dân Nhật. Thế nhưng, ý chí vươn lên, vượt thoát, đè bẹp, nghiền nát mọi khổ đau đã khiến người dân Nhật không hề nao núng, hay chịu khuất phục trước nghịch cảnh, thách thức của vận mệnh. Cả thế giới một lần nữa lại nghiêng mình bái phục trước tính tự chủ, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, sự bình tĩnh, văn hóa ứng xử đầy nhân bản trước thiên tai của người dân xứ sở Phù Tang. Nó làm cho tôi chợt nhớ đến bài Haiku tuyệt bút của Basho mà trước khi chết ông để lại:
Bị đau giữa cuộc hành trình
Trong mơ tôi vẫn thấy mình phiêu
Đi trên cái chết êm ru…
Định luật vô thường đã khứa vào trái tim nước Nhật cả ngàn vết thương. Rỉ máu… Máu thấm đẫm nước mắt, niềm đau đến tận cùng để rồi nó phải trào ngược vào trong… Cả thế giới hơn 7 tỷ người này thử hỏi có bao nhiêu người vui vẻ đón chờ những giông tố đến và đi như một định luật bất khả kháng. Điều này chúng ta, tôi và các bạn chỉ tìm thấy ở tâm hồn, tính cách của những người dân xứ sở Phù Tang.
“Trái tim nóng, cái đầu lạnh”. “Nếu đầu óc bạn chỉ là một anh nông dân thì có nỗ lực đến đâu đi nữa, những công việc chân tay cũng sẽ không khiến bạn khá khẩm lên được.” Nhật Bản là một quốc gia có nền giáo dục tiến bộ nhất thế giới. Đó là câu trả lời cho câu hỏi tại sao Nhật có thể vực lại nền kinh tế suy thoái sau tổn thất từ chiến tranh, thiên tai cuối thế kỷ XX. Tôi đã rất bất ngờ khi biết điều đầu tiên mà người Nhật dạy cho trẻ con đó chính là mỉm cười và nói “cảm ơn”. Đi lên từ nền tảng đạo đức, người Nhật muốn đào tạo ra những thế hệ trẻ ngay từ thuở vỡ lòng đã biết cách sống tự lập, biết tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người. Người Nhật phát triển giáo dục hướng con người ta đến thực tiễn đời sống nhiều hơn. Bản chất của họ vô cùng thông minh và nhạy cảm với các nền văn hóa đa dạng. Vì vậy, họ luôn tìm tòi, học hỏi từ tất cả các nước trên thế giới và thậm chí đưa vào phổ cập trong giáo dục một cách phổ biến. Tuy nhiên “hòa nhập chứ không hòa tan”, như trong văn học người ta thường ví rằng “biến văn chương của người khác thành văn chương của mình là một thành quả lao động nghệ thuật”, tính cầu tiến phát triển nguồn năng lực của Nhật có sự kết hợp hài hòa giữa nền giáo dục truyền thống và hiện đại. “Có thể ở những cấp học tiếp theo trong cuộc đời, kiến thức phải dung nạp vô cùng nặng nề nhưng nghĩ lại cũng chỉ vì tương lai của bản thân của mỗi con người.” Học xong đại học trong nước, bố mẹ trao đổi với tôi rằng bố mẹ muốn tôi sang Nhật học và tiếp tục con đường sự nghiệp bên đó nếu có thể. “Nhật là một nước phát triển toàn diện và bố mẹ tin rằng nếu du học ở Nhật, tương lai của con sẽ rộng mở.” Tôi đã rất vui vì quyết định của bố mẹ và cũng vì Nhật trong tôi từ rất lâu rồi. Trước những thử thách của cuộc đời, “người bi quan phàn nàn về cơn gió; người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều; người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm.” “Hãy đợi tôi, Nhật Bản thân yêu! Tôi sắp nắm được bàn tay bạn rồi!” – Một động lực mới căng tràn trong tâm hồn, khiến tôi không thể bỏ cuộc…
Có hay chăng tiếng gọi nơi xa ấy
Tựa hồ tiếng hát của người thương
Hoàng hôn mang hi vọng đến
Bình minh bùng cháy con tim…
Tiếng phong hạc vang vọng trên nền trời trong trẻo không gợn đục. Một Nhật Bản xa xăm trong hư tưởng cũ… nay hiện hình trong tư tưởng mới… Nhật Bản trong tôi!
Trần Duy Hiển
Học viên lớp K15-A13
Bài viết đoạt giải nhì cuộc thi viết “Cảm nhận HAVICO” tháng 11 năm 2015