Sau khi gây bão mạng, rồng Pikalong sắp ‘xuất ngoại’

Tác giả trẻ Thăng Fly cho biết chú rồng Pikalong, nhân vật từng gây sốt dân mạng tại Việt Nam, sắp “xuất ngoại” để có mặt tại Nhật Bản.

“Mình vẫn vẽ, vẫn ra đều truyện và sắp có dự án với đối tác tại Nhật Bản để đưa nhân vật Pikalong xuất ngoại”, Thăng Fly, cha đẻ của chú rồng vàng từng làm dậy sóng mạng xã hội đầu năm 2017, tiết lộ với Zing.vn sau nhiều tháng trời bận rộn.

Vẽ Pikalong trong 15 phút và chưa từng đặt tên

Vẫn cặp kính cận, áo sơ mi chỉn chu quen thuộc, tác giả sinh năm 1988 kể về những sự thật ít ai biết về cách mình tạo ra nhân vật gây sốt này. Theo anh, thành công từ chú rồng vàng đến như một sự tình cờ, nhưng xuất phát từ sở thích vẽ các con vật “ăn theo” các sự kiện nóng.

“Trước khi có Pikalong, mình vẽ rất nhiều con vật nhưng chúng không nổi tiếng bằng. Phải thừa nhận đó là sự may mắn khi con rồng ở Hải Phòng trở thành vấn đề gây tranh cãi nhiều tháng trên mạng, kéo theo sự nổi tiếng của Pikalong. Dịp đó cũng là Tết, nhân vật này vui vẻ và mọi người cũng có nhiều thời gian để quan tâm đến nó”, Bùi Đình Thăng chia sẻ.

Sau khi gay bao mang, rong Pikalong sap 'xuat ngoai' hinh anh 1
Pikalong và nguyên mẫu đời thực là chú rồng bị “ném đá” ở Hải Phòng.

Theo Thăng, anh chỉ mất khoảng 15 phút để vẽ xong chú rồng vàng, “ăn theo” con rồng tiểu cảnh ở Hải Phòng. “Tôi thậm chí còn không đặt tên cho nó. Tự các bạn trên mạng yêu mến rồi gọi nó bằng đủ thứ tên như Pikalong, Pikagon, rồng Pikachu… nhưng về sau này, mình quyết định tên gọi chính thức của nó là Pikalong”, Thăng nói. Nhân vật này cũng đã được đăng ký bản quyền thương hiệu và cũng không ảnh hưởng gì đến nhân vật Pikachu ở Nhật Bản.

Thành công ập đến với bản vẽ rồng chỉ trong 15 phút, nhưng Thăng cho biết anh không cảm thấy “chạnh lòng” vì những tác phẩm kỳ công trước đó của mình không nổi tiếng bằng. “Giống như một người ca sỹ hát dòng nhạc kén người nghe, nhưng sau khi thay đổi được độc giả đón nhận. Mình không lấy làm buồn về điều đó”, Thăng nói.

Nói về nghề, hoạ sĩ sinh năm 1988 cho biết quan điểm sáng tác của mình không thay đổi nhiều trước và sau khi có Pikalong. Trước đây, Thăng thường viết những cuốn truyện mang lại cảm xúc vui vẻ cho những bạn trẻ đang buồn chán, cô đơn. Sau đó là truyện lãng mạn cho lứa tuổi đang yêu.

“Hiện giờ mình sáng tác phục vụ cho những độc giả thích sự vui vẻ, hài hước. Tóm lại trước sau thì mình cũng chỉ mang lại cảm xúc tích cực cho độc giả của mình thôi”, Thăng Fly bộc bạch.

Pikalong sẽ đổ bộ thị trường Nhật

Theo Thăng Fly, anh đang hợp tác với một công ty chuyên về nghiên cứu thị trường tại Nhật Bản để đưa Pikalong vào các dự án liên quan đến người Việt ở Nhật và ngược lại. Bên cạnh đó, Bùi Đình Thăng cũng cho biết anh sắp ra mắt bộ truyện tranh mới ở Việt Nam, nhưng đang chờ giấy phép xuất bản.

Sau khi gay bao mang, rong Pikalong sap 'xuat ngoai' hinh anh 2
Ngoài Pikalong, Thăng Fly cũng có những nhân vật hoạt hình khá nổi tiếng như cá mập (sự kiện đứt cáp quang), chú hải cẩu (vụ việc con hải cẩu bị giết trên bờ biển gây bức xúc)…

Nói về sự khác biệt giữa hai môi trường, Thăng Fly cho rằng việc sáng tác truyện tranh ở Nhật Bản và ở Việt Nam có nhiều nét khác nhau. Ở Nhật Bản, người dân vẫn còn thói quen mua truyện, sách giấy, nên truyện tranh truyền thống vẫn có đất sống. Vẫn sẽ có những hoạ sỹ chỉ ngồi suốt ngày trong phòng vẽ truyện và bán nó cho nhà xuất bản, thu lại số tiền xứng đáng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, một bộ phận giới trẻ quen với việc đọc truyện online, nên ngoài việc làm truyện tranh xuất bản, người hoạ sĩ thời nay cũng phải linh hoạt hơn: đưa các tác phẩm của mình lên Internet, thương mại hoá nó bằng nhiều cách mới có thể nuôi sống được bản thân. Trong trường hợp của Pikalong, Zalo đã giúp nó nổi tiếng.

“Được sự gợi ý của người em, tôi vẽ thêm bộ sticker các biểu cảm của chú rồng này. Sau đó, nó có mặt trên Zalo và càng phổ biến hơn đến hàng chục triệu người dùng. Nó được biết đến nhiều hơn, người ta cũng yêu mến nó nhiều hơn”, tác giả trẻ chia sẻ.

“Khi mình có một cộng đồng người hâm mộ lớn thì đó là điều tốt với công việc, sự nghiệp của mình. Hình ảnh con rồng của mình trở thành một cái gì đấy người ta đón chờ, người ta muốn đọc truyện của mình. Khi mình nổi tiếng, có ảnh hưởng đến cộng đồng thì nhiều nhãn hàng cũng tìm đến mình”, cha đẻ của Pikalong thật thà tâm sự.

Khi được hỏi có sự nhân vật mình bị nhàm chán khi người ta cứ ngày ngày chat, gửi các sticker con rồng trên Zalo hay không? Tác giả trẻ người Nghệ An cho rằng anh không hề lo lắng chuyện này. “Điều chúng mình muốn lúc này là nó phổ biến rộng rãi hơn nữa. Các nhân vật truyện tranh tại Việt Nam nói chung chưa đủ ‘lớn’ để sợ bị nhàm đi”.

Trước mắt, Thăng Fly và ê-kíp của mình đang mong đối tác Nhật Bản sẽ có hướng tiếp cận mới cho nhân vật Pikalong. “Trong khoảng 1-2 năm tới mình cũng sẽ xoay quanh nhân vật này, tuỳ theo cảm hứng ra sao, khó có thể nói trước được điều gì sẽ đến”, tác giả tiết lộ. Đối với Thăng Fly, việc đưa chú rồng vàng “xuất ngoại” là một sự thử nghiệm mới, một bước phát triển tiếp theo sau khi nó đã được đón nhận nồng nhiệt tại quê nhà.

Zalo là một nền tảng mở với các bộ sticker. Người dùng có thể chủ động upload các bộ sticker do chính họ thiết kế lên Zalo ứng dụng hiện có hơn 80 triệu người dùng. Ngoài Thăng Fly với rồng Pikalong, một số hoạ sỹ trẻ tại Việt Nam cũng đã đưa bộ sticker của mình lên Zalo, qua đó giúp nhân vật của mình thêm nổi tiếng, gần gũi hơn với độc giả.

Theo Duy Khoa/Zing.vn

Bình luận:
0/5 (0 Reviews)
CHIA SẺ