Những đức tính nổi bật của người Nhật

Nước Nhật thật giàu có, hiện đại, văn minh và cũng mang đầy đủ những đặc trưng văn hoá Á Đông. Đất nước đó đã trải qua một lịch sử với đầy đủ những hào hùng lẫn bi thương. Trải qua tất cả những thăng trầm đó, điều gì là yếu tố tiên quyết khiến cho một quốc gia trở nên hùng mạnh và được ngưỡng mộ bởi bạn bè từ khắp hành tinh? Chắc chắn đó không gì khác là con người. Những con người Nhật Bản mang trong mình những đức tính đáng quý đã vực đất nước đứng lên từ những khó khăn, đã thúc đẩy nhau cùng tiến nhanh về phía trước để giành lấy bao thành tựu đáng tự hào. Những đức tính đó là những gì mà mỗi người chúng ta đều cần học tập và phát huy, nhất là ở một quốc gia còn chưa thực sự phát triển như Việt Nam.
Tính kỷ luật

Người Nhật là những người kỷ luật bậc nhất thế giới. Họ cực kỳ tôn trọng các luật lệ và nguyên tắc. Họ không vi phạm pháp luật không vì sợ bị trừng phạt hay vì bất cứ hậu quả nào khác. Họ tôn trọng luật chỉ đơn giản vì nó là luật.
Tính kỷ luật của người Nhật thể hiện rõ nhất ở ý thức xếp hàng. Dù bạn đi tới bất cứ nơi đâu ở đất nước này, bạn sẽ không thấy cảnh chen lấn, tranh giành để được lên trước. Mọi người đều xếp hàng và đợi đến lượt mình dù là để mua một món đồ sinh hoạt thường ngày hay một sản phẩm công nghệ cao. Thậm chí, cả thế giới đã phải kinh ngạc và thán phục tính kỷ luật của người Nhật khi mà một trận động đất dẫn theo sóng thần đã tấn công bờ biển của đất nước này hồi năm 2011. Giữa cái sống và cái chết, người Nhật vẫn xếp hàng để nhận từng sản phẩm trợ cấp.

Người Nhật cũng luôn đúng giờ, một cách gần như tuyệt đối. Nếu không phải bất khả kháng và không thể lường trước, họ không bao giờ tới muộn cho dù đi làm hay chỉ đơn giản là một cuộc hẹn với bạn bè, cho dù là nhân viên hay là người quản lý.

Người Nhật luôn xếp hàng đợi tới lượt trong mọi tình huống
Người Nhật luôn xếp hàng đợi tới lượt trong mọi tình huống

Chính nhờ tính kỷ luật tuyệt đối như vậy, người Nhật suốt bao năm qua luôn đạt năng suất làm việc rất cao, cao hơn nhiều so với ở Việt Nam. Họ cũng rèn luyện được cho mình tính kiên trì – một đức tính không thể thiếu ở mỗi con người thành công và mỗi xã hội văn minh.
Làm việc có trách nhiệm và hết mình

Một phần xuất phát từ chính tính lỷ luật vừa nêu, người Nhật cực kỳ có trách nhiệm với công việc. Họ không cần được thúc ép để hoàn thành những công việc đã được giao hoặc họ đã nhận. Với họ, một khi đã nhận một công việc thì đó là một trách nhiệm – trách nhiệm với người giao việc, trách nhiệm với công việc và trách nhiệm với nhân cách của chính mình.

Trong công việc, người Nhật cũng cực kỳ coi trọng sự nỗ lực hết mình. Họ làm việc đúng giờ, không làm thêm giờ nhưng ngược lại cũng không bao giờ bỏ cuộc. Nếu một công việc tỏ ra khó khăn, họ sẽ nỗ lực hết mức để hoàn thành bằng mọi cách, trừ khi đã chắc chắn rằng không có cơ hội thành công họ mới dừng lại hoặc tìm tới sự giúp đỡ. Tinh thần trách nhiệm và nỗ lực đó là một cá tính vô cùng quan trọng khiến cho nền kinh tế Nhật Bản có sự phát triển thần tốc, cũng như mang lại rất nhiều sáng tạo trong khoa học, công nghệ và nghệ thuật như chúng ta đã nói tới ở các chương trước.

 

Đức hi sinh

Trong quan điểm sống của người Nhật, đức hi sinh là một điều khá hiển nhiên. Họ không ngại hi sinh vì người thân của mình, hoặc vì một điều gì đó mà họ cho rằng thực sự quan trọng hay cần gìn giữ. Sự hi sinh đó có thể hi sinh về tài sản, về công việc và thậm chí đôi khi là về tính mạng.

Hẳn nhiều người đã biết về tinh thần cảm tử của người Nhật trong thế chiến thứ hai, hay tinh thần không ngại hi sinh tính mạng của các võ sĩ từ thời xa xưa. Ngày nay, việc hi sinh vì đất nước hay vì thể chế không còn là một yêu cầu hiện hữu ở Nhật nữa khi mà họ đã không còn tập trung phát triển quân sự cũng như không tham gia những xung đột cấp quốc gia trong nhiều thập kỷ nay, nhưng đức hi sinh trong cuộc sống và công việc mỗi ngày vẫn còn đó và khiến cả thế giới luôn nhìn người Nhật như những con người cao thượng và đáng trân trọng.

 

Khiêm tốn

Mặc dù đây không phải một quan điểm phổ quát trên thế giới, nhưng nó vẫn là một đức tính được nhiều người nhắc tới ở người Nhật. Trong võ đạo Nhật Bản, các võ sĩ ngay trước khi thi đấu cũng luôn cúi đầu trước nhau, thậm chí các võ sư cũng cúi đầu chào lại võ sinh của mình. Điều đó khiến cho mọi người đều cảm thấy sự tôn trọng của đối phương.

Người Nhật quan niệm rằng tự cho rằng mình tốt hơn người khác chính là tự kìm hãm sự phát triển của chính mình. Đa số họ không bao giờ nghĩ mình là người giỏi nhất cho dù sự thật có là như thế.

200187871-002
Tự trọng

Tự trọng là sự tổng hợp hài hoà, cũng có thể coi là nguyên nhân sâu xa đưa tới mọi đức tính khác đã nêu trên. Do đó, có lẽ đây chính là đức tính cao quý và đáng khâm phục nhất của người Nhật.

Người Nhật luôn cố gắng tự làm mọi thứ. Nhờ tới sự giúp đỡ của người là sự làm phiền, là thiếu lịch sự và cũng chính là sự tự hạ thấp tự trọng của bản thân. Họ cũng luôn đặt việc đúng hẹn, đúng giờ lên rất cao, bởi khi bạn trễ hẹn tức là bạn đã làm ảnh hưởng tới người khác, hoặc có thể là ảnh hưởng tới cả tập thể hay xã hội.

Lòng tự trọng không chỉ là thứ chỉ người trưởng thành hay khoẻ mạnh mới cần tới. Ở Nhật Bản, trẻ nhỏ không được bố mẹ đưa đi học. Các em nhỏ đều tự đến trường bằng bất cứ phương tiện gì phù hợp nhất. Thậm chí người cao tuổi ở Nhật cũng chỉ nhờ tới người khác ở những việc mà họ thực sự không tự làm được.

Trẻ em tự đến trường từ khi còn rất nhỏ
Trẻ em tự đến trường từ khi còn rất nhỏ

Đỗ Minh Chính

Trích “Nhật Bản – Hành trình đầy kỳ vọng” – Đỗ Minh Chính chủ biên

– NXB Thông tin và Truyền thông, 2017

Bình luận:
0/5 (0 Reviews)
CHIA SẺ