HỌC TẬP CẦN NHƯ MỘT HOẠT ĐỘNG BẢN NĂNG

Câu chuyện về tính cần thiết của sự học thì đã được nói tới nhiều, thậm chí rất nhiều. Bên cạnh đó còn có học như thế nào, việc này cũng được nói tới không hề ít. Nhưng có lẽ còn chưa nhiều người, nhiều tài liệu nói tới cái nhận thức về sự học. Mỗi cách nhìn nhận đưa tới một phương pháp khác nhau và vì thế hiển nhiên rằng kết quả cũng khác nhau. Trong bài viết dưới đây, tôi xin nêu lên một quan điểm: coi sự học như một hoạt động bản năng.

Trước hết, xin được làm rõ rằng học tập mà tôi nói tới ở đây, không phải hoạt động học tập theo giáo trình, theo các khóa học ở trường lớp, thậm chí cũng không phải mở sách và tài liệu để đọc những sự truyền đạt trực tiếp và có chủ đích. Học tập ở đây là toàn bộ quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin, biến thông tin thành tri thức và sử dụng tri thức mỗi ngày. Tích lũy tri thức là một hành trình bất tận không có điểm dừng. Vậy nên quá trình học tập như vậy không dành riêng cho tuổi trẻ, mà luôn cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là người trí thức.

Việc cho rằng học tập chỉ diễn ra ở trường lớp hoặc qua sách vở, tài liệu là hoàn toàn sai lầm. Khi mang tư tưởng đó, con người ta đã tự giới hạn khả năng thu nhận kiến thức của mình. Giáo dục nhà trường là vô cùng quan trọng vì nó mang lại kiến thức nền tảng về khoa học, văn hóa cho con người. Sách, báo, tài liệu cũng đóng vai trò to lớn để chuẩn hóa, bổ sung và hoàn thiện những gì chúng ta thu nhận được tại trường lớp. Những kiến thức đó không thể có được từ cuộc sống hàng ngày, vì lẽ đơn giản chúng là thành quả nghiên cứu và tích lũy của cả nhân loại qua bao thế hệ, không một con người riêng rẽ nào có thể tự khám phá ra trong thời gian ngắn ngủi của đời mình. Khối lượng kiến thức được tích lũy ấy là những nền tảng cốt yếu để xây dựng thế giới quan cho con người. Vậy nên văn minh nhân loại mới không thể thiếu được giáo dục. Tuy nhiên,  học tập thông qua các hình thức giáo dục đó chưa phải là đầy đủ, nhất là đối với một trí thức. Cho nên chúng ta cũng vẫn hay nói tới việc tích lũy kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống. Có điều vấn đề là tiếp thu như thế nào?

Đa số chúng ta tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong thực tế đời sống theo cách chủ động quan sát và chọn lọc thông tin từ những lĩnh vực, những hoạt động, những sự việc mà chúng ta cho rằng nó cần cho mình, phù hợp cho mình. Điều đó tất nhiên là cần thiết. Tuy nhiên, cũng giống như giáo dục nhà trường và qua sách vở, đó là sự học tập có chủ đích. Học tập có chủ đích mang đến những hiệu quả tức thời, nhưng nó đồng nghĩa rằng những thông tin được mặc định là không hoặc chưa cần thiết sẽ bị loại hoàn toàn khỏi trí nhớ. Sự thật là mọi tri thức, đặc biệt là tri thức về khoa học là cần thiết đối với bất cứ ai ở bất cứ tuổi tác và trình độ nào. Tri thức không bao giờ thừa và cũng không bao giờ là đủ. Nhưng nếu cứ phải cố nhét mọi tri thức, mọi thông tin vào trí nhớ của mình thì không ai đủ thời gian cả, mặt khác việc đó dễ dẫn tới rối loạn thông tin, tức là người ta không sắp xếp và hệ thống được lượng thông tin mà mình thu nhận. Bài toán đặt ra là làm thế nào để thu nhận được nhiều tri thức nhất mà không để bộ não bị căng thẳng ?

Học tập như một bản năng
Bản năng theo nghĩa sinh học là gì có lẽ chúng ta không cần nhắc tới nữa. Ở đây tôi cũng xin phép không dùng khái niệm này theo ý nghĩa sinh học, mà chỉ đưa ra một cách mô tả, một cách gọi sao cho dễ hiểu nhất. Trong công việc hàng ngày, chúng ta hiểu hoạt động bản năng đơn giản là những hành động đương nhiên, không có tính toán và cân nhắc, những phản xạ tất yếu trong những tình huống tương ứng. Khác với hành động có tính toán, những hành động thuộc về bản năng không gây ra ức chế thần kinh và vì thế cũng không gây mệt mỏi.

Tôi xin được lấy bản thân làm ví dụ. Tôi có quan niệm rằng công việc chỉ có thể đạt  hiệu quả tối đa khi người thực hiện biết điều chỉnh thời gian và cân bằng cường độ hoạt động thật hợp lý. Làm việc liên tục không nghỉ, không có điểm dừng, không có thư giãn thì tinh thần căng thẳng tất dẫn tới công việc không tạo ra hiệu quả như mong muốn. Vì lý do đó tôi luôn coi trọng hoạt động giải trí mỗi khi có thời gian, trong đó nghe nhạc và xem phim là hai hình thức giải trí thường xuyên nhất. Tuy vậy, với tôi giải trí không có nghĩa là không tư duy, không tiếp nhận thông tin. Chẳng hạn, tôi thường xem các bộ phim của của phương Tây nhiều hơn châu Á, phần vì sở thích, phần vì tôi quan niệm rằng xem phim về các nền văn mình tiến bộ, và làm về thời hiện đại sẽ giúp tôi học hỏi được nhiều điều hơn (tất nhiên đó chỉ là quan điểm cá nhân). Mới nghe qua vậy, nhiều người có thể nghĩ sao tôi phải tự làm khổ mình, đã giải trí sao không thư giãn hết mình? Như tôi đã nói, tôi học tập như một bản năng. Bản năng là những gì tự diễn ra không nằm trong sự kiểm soát hay sự cố gắng của chúng ta. Hàng ngày không có ai thấy khó chịu và không được thư giãn vì lúc nào tim cũng đập và mũi cũng thở, vì đó là những hoạt động đương nhiên để duy trì sự sống, người ta tự làm điều đó mà không phải do bộ não quyết định, nên cũng không bị ức chế thần kinh. Những hoạt động như thế được gọi là thuộc về bản năng. Khi một hoạt động không phải bản năng mà tạo hóa ban cho, chúng ta vẫn có thể khiến nó như một hoạt động bản năng qua quá trình rèn luyện, tạo thành các phản xạ có điều kiện. Theo tôi, quá trình tạo bản năng mới này không hề lâu dài và gian khổ. Chẳng hạn một vận động viên có thói quen hàng sáng dậy rất sớm để chạy bộ, ban đầu là vì yêu cầu sức khỏe bắt buộc. Dần dần theo thời gian, anh ta luôn làm như vậy mỗi sáng thức giấc, anh ta hạnh phúc vì điều đó trong khi những người lười vận động thì cho rằng anh ta đang tự làm khổ mình, tại sao không ngủ hết mức có thể; mỗi khi trời mưa quá lớn hay vì một tai nạn đột xuất không thể làm cái việc mà nhiều người khác cho là “khổ” kia thì vận động viên thấy đó là một điều khó chịu. Việc chạy hàng sáng đã thành một thói quen thường trực của anh ta, và anh ta khó chịu khi phải cưỡng lại thói quen đó. Tất nhiên, thói quen đó không gắn liền vĩnh viễn không thể tách rời với anh ta như những bản năng sinh tồn. Dù vậy nó vẫn tác động trực tiếp vào sinh hoạt hàng ngày của người mang nó trong thời gian dài.

Xin được quay lại với việc giải trí của tôi. Khi xem phim, tôi thường chọn những bộ phim phù hợp cho mình, sao cho đạt tính thư giãn, giải trí cần thiết. Tuy vậy, giải trí là mục đích chính không có nghĩa nó là duy nhất. Trong lúc vẫn để bộ não mình thư giãn với bộ phim hay đôi khi là một bản nhạc, tôi đồng thời ghi nhận và xử lý những thông tin mà tôi thấy có ích. Chẳng hạn, tôi loại bỏ việc học tập trong các tình huống mang tính viễn tưởng, hay những pha hành động với kĩ xảo có vẻ hấp dẫn, chỉ coi chúng là giải trí thuần túy; nhưng tôi lại ghi nhận lại cách hành xử, văn hóa giao tiếp trong mỗi tình huống của con người ở những nền văn minh khác nhau. Đôi khi tôi thử tự giải thích những hiện tượng thiên nhiên, hiện tượng kĩ thuật xuất hiện ở đâu đó bằng kiến thức khoa học mình từng có. Tôi cũng quan sát kiến trúc những ngôi nhà ở các đất nước khác, các công nghệ được họ ứng dụng trong đời sống, quan sát cách họ tổ chức xã hội để làm phong phú thêm thế giới quan của mình, … Nhờ quá trình thu nhận kiến thức không gây ức chế này tôi tiếp nhận được rất nhiều thông tin, kiến thức mỗi ngày. Thậm chí, lượng kiến thức thu được qua trong lúc nghỉ ngơi và thư giãn chiếm một phần không hề nhỏ trong kiến thức hiện có của tôi. Mặt khác, một bản nhạc hay một bộ phim không hề kém cuốn hút khi được thưởng thức theo cách đó mà ngược lại, khi chúng ta hiểu sâu sắc về chúng sẽ càng thấy chúng tuyệt vời hơn vì khi đó chúng còn cho ta thấy vẻ đẹp của tri thức và trí tuệ. Việc xem phim hay nghe nhạc như vừa nêu chỉ là một ví dụ, bản năng học tập, ghi nhận thông tin còn có mặt khi đọc một cuốn sách, chơi một trò chơi, hay thậm chí lúc quan sát xung quanh trong lúc giết thời gian ở một quán café hoặc quán nước ven đường…

Không nên xem thường việc đưa học tập thành một hoạt động như một bản năng, vì thực tế mỗi ngày dù chỉ một hoặc hai giờ giải trí cũng có thể mang lại rất nhiều thông tin mà không gây mệt mỏi. Sự học là cần cho tất cả mọi người, đặc biệt là các trí thức. Học tập như một bản năng lại càng đặc biệt quan trọng đối với người trưởng thành – cái tuổi mà người ta không còn thời gian và nếu có thời gian thì cũng không đủ tâm trí để tham gia những hoạt động học tập chủ động. Vậy nên học tập như bản năng cần được rèn luyện đối với mỗi người tham gia hoạt động trí thức, đồng thời đưa vào các mô hình giáo dục để xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ có kiến thức phong phú và tinh thần học tập không ngừng nghỉ.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam

Uỷ viên thường vụ CLB Trí thức trẻ Hà Nội

Bình luận:
0/5 (0 Reviews)
CHIA SẺ